Category Archives: Uncategorized

Cách thưởng thức rượu vang

Tiêu chuẩn

1. Cách mở nắp rượu vang và chọn ly rượu

Chai rượu vang dự trữ trong nhà, bạn cần để nằm ngang hoặc nằm nghiêng sao cho nước rượu trong chai thấm vào nút bần, việc này giúp giữ được hương vị rượu và khiến cho việc nút bần không bị vỡ khi mở nắp chai.

Với những người sành rượu vang, khi mở nút chai cần trải qua một số bước như sau:

Trước tiên, cắt phần vỏ bao quanh nút chai, cách miệng chai tầm 5mm, rồi lau sạch bằng khăn khô. Lấy phần đầu che nút bần ra, không vội vã, thô lỗ lột hết bao ngoài bằng nhựa (hoặc chì) bao đầu chai rượu. Chai rượu bị mở bằng cách thô lỗ cho ta cái cảm giác trần truồng, thiếu tinh tế.

Dùng đồ khui rượu xoáy tròn theo chiều kim đồng hồ vào nút bần cho tới gần vòng xoắn cuối cùng, kéo nút bần lên khoảng 1cm thì tiếp tục xoáy tiếp cho đến khi vòng xoắn cuối cùng ngập sâu vào nút bần. Kéo từ từ lên rồi nắm vào nút chai lấy ra nhẹ nhàng để tránh không khí sộc vào nhanh quá làm xáo trộn rượu làm cặn rượu bị xáo lên.

Chai rượu mở xong bạn bỏ hẳn nút bần ra ngoài, đừng sợ rượu bay hơi mà đóng nắp chai lại. Đó chính là bạn để cho “rượu thở”, khiến bạn có ngụm rượu đủ hương vị hơn. Nếu được, bạn nên có một bình thủy tinh lớn, có miệng vừa gấp đôi nắp chai rượu và đổ tất cả các chai vang bạn định uống hôm ấy vào một lần. Bạn sẽ có một loại rượu vang như ý trong suốt buổi ăn.

Đối với rượu Champagne & vang sủi tăm: Tháo dây sắt cột nút cổ chai ra. Để chai nghiêng, nắm thật chặt nút chai rồi quay cổ tay, khi nút chai đã quay được thì không quay nút chai nữa, mà phải quay chai rồi nghiêng chai để cho hơi thoát ra nhẹ nhàng.

Ly uống rượu vang thường phải là ly thủy tinh trong có chân cao, sâu và miệng lớn để khi uống ly rượu bạn có cảm giác hương rượu ngào ngạt lên mũi, trước khi nước rượu thấm vào đầu lưỡi của bạn.

2. Cách rót rượu vang

Đối với các loại vang đỏ trong điều kiện nhiệt độ bình thường, chúng ta rót phải thật nhẹ nhàng hướng về phía trung tâm của ly, không để nhiễu ra bàn.

Rót rượu vang, bạn đừng rót “dính” đáy ly như các loại rượu mạnh mà ít nhất phải đến 1/3 đến 2/3 ly rượu. Thông thường là hơn 1/2 ly rượu. Cầm ly rượu, trước khi uống nên lắc nhẹ cho rượu sánh quanh ly, nhìn độ rượu lắng xuống nhanh chậm trên thành ly và hưởng được hương rượu nồng nàn từ ly rượu. Với vang trắng, trước khi uống bạn cần ướp hoặc bỏ vào tủ lạnh cho rượu còn nhiệt độ vào khoảng 6 – 8 0 C là tốt nhất, còn rượu đỏ, tùy thời tiết bạn cần giữ rượu vào khoảng 15 – 18 0 C là ly rượu sẽ đậm đà giữ được mùi hương lâu dài.

Đối với Rượu Champagne & vang sủi tăm, trước khi rót rượu thì phải lau cổ chai cho sạch. Hơi nghiêng ly một chút rồi rót rượu vào thành ly cho đến khi bằng 3/4 ly thì ngưng lại.

Với các loại vang này nhiệt độ của ly rất quan trọng. Nếu ly nóng quá thì rượu sẽ sủi hết bọt, còn nếu ly lạnh quá thì rượu sẽ bị xẹp xuống. Nhiệt độ của rượu và nhiệt độ của ly phải cân xứng với nhau thì mới thưởng thức hết được hương vị của rượu.

Điều quan trọng là đừng pha thêm nước đá, nước lạnh, sô đa hay bất cứ thứ gì vào rượu vang vì như thế mùi rượu vang sẽ không còn. Nếu làm vậy, bạn nên uống một thứ cocktail nào đó hơn là chọn rượu vang!

3. Thử và nếm rượu vang

Thử và nếm rượu cũng là một công đoạn khá cầu kỳ với tám bước cơ bản: Quan sát bằng mắt, lắc rượu xoay quanh ly, quan sát độ sánh, ngửi, nhấp một ngụm, lấy khí, nhấp thêm ngụm nữa, hậu vị.

a) Quan sát bằng mắt

Quan sát rượu xung quay thành ly, cũng có thể nghiêng ly rượu sang một bên để dễ dàng quan sát. Rượu trắng sẽ trở nên đậm màu hơn khi trưởng thành còn rượu đỏ sẽ trở thành màu hơi nâu. Lúc này là thời điểm lý tưởng để ngửi cái đầu tiên để so sánh với mùi sau khi lắc.

b) Lắc rượu xoay quanh ly

Lắc rượu xoay quanh ly để tăng bề mặt và số lượng rượu tiếp xúc với oxy, điều này làm cho rượu phát huy hết hương thơm.

c) Quan sát độ sánh

Ta có thể đánh giá được độ sánh của rượu vang bằng cách quan sát những giọt rượu bám trên thành ly chảy xuống nhanh hay chậm. Tốc đổ càng chậm thì rượu càng sánh, tuy nhiên rượu sánh cũng không hẵn là rượu ngon vì thực ra lượng cồn trong rượu sẽ nhiều hơn.

d) Ngửi

Mùi thơm của rượu được cảm nhận chính xác nhất nếu ta để ly rượu cách mũi khoảng vài centimet, sau đỏ đưa hẳn ly lên mũi trong lúc ngửi.

e) Nhấp một ngụm

Sau khi thưởng thức mùi thơm của rượu, nhấp một ngụm rượu, đảo rượu xung quanh miệng để có thể cảm nhận được hết vị của rượu bằng tất cả các vị giác như ngọt, chua, mặn, chát, vị béo và các thành phần của rượu.

f) Lấy khí

Tiếp đó, ta cong lưỡi lên và hút khí qua miệng và thở ra bằng mũi để cảm nhận hương thơm của rượu vang tỏa ra. Bằng cách thực hiện như trên, ngoài hương vị thật của rượu, Enzim trong nước bọt sẽ phản ứng và thay đổi một số hợp chất của rượu, do đó bạn sẽ cảm nhận thêm một số hương thơm mới lạ do sự tiếp xúc của rượu với khoang miệng.

g) Nhấp thêm ngụm nữa

Nhấp thêm một ngụm nữa và nuốt luôn để cảm nhận được sự khác biệt tinh tế về mùi hương và hương vị so với cách thưởng thức như phía trên.

h) Hậu vị

Hậu vị chính là dư âm mà rượu để lại trên đầu lưỡi. Đây chính là một phần rất quan trọng chứng tỏ rượu đó có ngon hay không.

Một lưu ý nhỏ là khi uống rượu ta hay mời nhau cụng ly. Chúng ta nên cụng ly vào đầu buổi tiệc và những lúc quan trọng cần nhấn mạnh. Tiếng va chạm của thủy tinh sẽ cho bạn nghe được tiếng rượu – là giác quan sau cùng, tinh tế được hưởng thụ rượu vang sau bốn giác quan kia: mắt nhìn được rượu, tay cầm được rượu, mũi ngửi được hương rượu và lưỡi nếm vị rượu. Nhưng chúng ta cũng cần nên hiểu không phải ly rượu nào cũng nâng lên và phải chạm với người khác. Liên tục chạm, bạn sẽ khiến người đối ẩm mệt mỏi vì cứ như bị ép, mà nhân gian lại có câu “rượu bất khả ép, ép bất khả từ”. Say rượu vang sẽ cho bạn một cảm giác không thể chịu nổi đến vài ba ngày sau.

4. Kết hợp giữa rượu vang và món ăn

Ở Pháp hầu hết các món ăn đều có rượu vang đi cùng, chúng hòa quyện vào nhau hỗ trợ và bổ sung cho nhau tạo thành một bức tranh đầy mầu sắc và hương vị. Thậm chí có những món ăn được đầu bếp Pháp tạo ra dành riêng cho một chai rượu đặc biệt.

Người Pháp thường dùng hai kỹ thuật kết hơp rượu và món ăn cơ bản đó là: Rượu vang đã có sẵn thì phải làm những món ăn phù hợp với loại rươu đó hoặc đồ ăn đã có sẵn thì tìm kiếm rượu vang cho phù hợp.

Người Pháp có câu: “Viande blanche vin blanc, viande rouge vin rouge” (Thịt trắng rượu trắng, thịt đỏ rượu đỏ). Nhưng thực tế là cả một nghệ thuật phức tạp và cầu kỳ của sự phối hợp hương vị hài hòa giữa rượu và các món ăn.

Đồng thời, người Pháp cũng rất quan tâm tới thứ tự dùng rượu vang trong bữa ăn. Họ thường bắt đầu bằng rượu vang trẻ và kết thúc bằng những chai rượu vang lâu năm, vang trắng trước vang đỏ, loại nhẹ trước loại nặng, vang lạnh trước vang để mát, vang chua trước loại vang dịu, vang thường trước loại vang ngon…

Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung khác là sự thích thú phải được tăng dần lên cũng như ta cảm thấy chai sau uống ngon hơn chai trước.

I crave your mouth, your voice, your hair. 

Tiêu chuẩn

Pablo Neruda.

I crave your mouth, your voice, your hair.
Silent and starving, I prowl through the streets.
Bread does not nourish me, dawn disrupts me, all day
I hunt for the liquid measure of your steps.

I hunger for your sleek laugh,
your hands the color of a savage harvest,
hunger for the pale stones of your fingernails,
I want to eat your skin like a whole almond.

I want to eat the sunbeam flaring in your lovely body,
the sovereign nose of your arrogant face,
I want to eat the fleeting shade of your lashes,

and I pace around hungry, sniffing the twilight,
hunting for you, for your hot heart,
Like a puma in the barrens of Quitratue.

Tình yêu

Tiêu chuẩn

TÌNH YÊU

(Amor)

Là do em,
Giữa vườn hoa rực rỡ
Khi chợt nghe
Mùi hương của mùa Xuân
Anh thấy đau

Anh đã quên khuôn mặt
Quên đôi tay
Quên cả
đôi môi em nữa
Vị của nó
trên môi anh
từng-đã-ra-sao?

[…]

Anh đã quên 
Giọng em
Giọng-nói-hạnh-phúc 
của em
Cả đôi mắt em
anh không nhớ nữa

Như đoá hoa

gắng tìm lại
mùi hương

Anh gắng
Bấu víu vào
Ký-ức-nhoà-nhạt
Về em

Anh sống với nỗi-đau-như-vết-dao
Mà mỗi khi
chạm tới
Em lại gây thêm
những tổn thương
không thể nào
chữa nổi

Sự mơn trớn của em quấn bọc lấy anh như giàn dây leo quấn bọc lấy mảnh-tường-u-thảm

Anh đã quên tình em
Nhưng sao bóng em
vẫn thấp thoáng
nơi khung cửa sổ
đâu đây?

Là do em,
Mùi hương oi nồng
của mùa hạ
làm anh
đau

Là do em

Anh lại tiếp tục
truy tầm
những dấu hiệu mở ra khao khát
Những đoá-sao-băng
Những
vật
thể
rơi

(P. Neruda)

cashmere và shahtoosh

Tiêu chuẩn

“Cashmere là chất liệu rất đặc biệt. Nó cũng là một loại sợi tự nhiên hiếm nhất trên thế giới. Thuật ngữ “cashmere” liên quan đến các loại trang phục làm từ chất liệu này. Ngoài sản phẩm phổ biến nhất là áo len và khăn Pashmina, cashmere cũng được dùng để làm khăn tay, găng tay, áo choàng và mũ.

Ngoài trang phục, Cashmere cũng được dùng để làm thảm.

Có một câu chuyện thú vị về cashmere và việc thu lượm nó. Cashmere được thu lượm từ những vùng núi rất cao ở khu vực Himalaya. Cashmere được lấy từ lông dê, đặc biệt ở những vùng lông tơ mềm mượt nhất. Mỗi năm, chỉ có thể lấy được từ 50-150 gram cashmere từ những vùng lông mềm mại của mỗi chú dê.

Những chú dê phải trải qua một thời gian dài để thích nghi với những vùng có điều kiện khí hậu khắc nhiệt, có thể lạnh tới âm 40 độ. Thật may mắn, chính vì được thiên nhiên ban tặng một lớp lông đặc biệt nên những chú dê đó có khả năng chịu đựng được khí hậu lạnh giá. Những sợi cashmere có những ưu điểm đặc biệt. Sự mềm mại của những chiếc áo len làm từ Cashmere không thể được so sánh với bất cứ loại áo len nào khác. Một ưu điểm đáng chú ý nữa là áo len làm từ cashmere ấm gấp sáu lần các loại áo len khác, ví dụ như áo len làm từ lông cừu. Bạn sẽ không cảm thấy lạnh khi mặc áo len cashmere.

Ở Nepal, kỹ năng đan áo len cashmere thủ công được truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi sản phẩm thủ công đều là chính gốc.”

“Trong các loại cashmere thì shahtoosh là xịn nhất. Theo tiếng Ba Tư Len shahtoosh nghĩa là vua của các loại len thượng hạng, một đối thủ của len vicuña, được dệt từ lông tơ của linh dương Tây Tạng. Giống như len vicuña, len shahtoosh cũng thuộc hàng thượng hạng với độ dày 9µm, mỏng hơn nhiều so với len vicuña dày tới 12µm. Việc làm ra len shahtoosh khó khăn hơn nhiều so với len vicuña. Vì lạc đà vicuña vẫn còn được chăm sóc tốt, còn linh dương Tây Tạng thì đang trên bờ tuyệt chủng bởi vấn nạn săn trộm, sự phát triển của cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp mỏ ở Nepal. Nhiều quốc gia đã cấm sở hữu và buôn bán len shahtoosh, nhưng việc kinh doanh loại len này vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Len shahtoosh thường được dệt thành những tấm khăn choàng cao cấp có giá từ 5.000 đô-la Mỹ. Chỉ những thợ dệt hàng đầu của vùng Kashmir mới có đủ trình độ để sản xuất ra loại khăn choàng cao cấp này.”

St.

Ông nội.

Tiêu chuẩn

Ông nội mất tối ngày 30.12.2017. Đưa tang ông sáng ngày 1/1/2018.

Ông 102 tuổi. Không bệnh tật đau ốm gì đến lúc bị đột quỵ và mất, trước lúc ông mất, mình về gặp ông, ông vẫn còn tỉnh táo, tay vẫn ấm áp nắm lấy tay mình, mắt vẫn tinh tường và miệng vẫn mủm mỉm duyên dáng mỗi khi mình nói đùa…

Đứa cháu nội trưởng này sẽ nhớ đến ông, thỉnh thoảng thôi, nhưng mỗi khi nhớ đến ông là nhớ cùng những kỷ niệm vui, nhớ cùng niềm tự hào và tình cảm yêu quý về một con người như một cuốn biên niên sử của gia đình, của đất nước qua hơn một thế kỷ, tham dự cả hai cuộc chiến tranh của dân tộc, là bí thư Đảng ủy đầu tiên của tiền thân tập đoàn than và khoáng sản VN, một người đàn ông dũng mãnh không chỉ trong công việc mà còn trong cả cuộc sống, lúc nào cũng thẳng thắn, cương trực và thông minh!

Ông hãy yên nghỉ, ông yêu quý!

IMG_7904

pnin

Tiêu chuẩn

sao không ai nói cho tôi biết, Pnin lại đặc sắc đến vậy?

sao không ai nói cho tôi biết, bìa Pnin đẹp nhất trong 4 cuốn Nabokov đã in? và cái màu xanh lam/màu ngọc xanh biển/màu xám lam đấy chính là hoà sắc làm lòng tôi thoắt đã dịu dàng… màu xanh lam có lẽ cũng là màu chiếc âu mà Victor tặng Pnin – thứ mà Pnin dùng để pha chế món hỗn hợp rất bốc của y: Chateau d’Yquem ướp lạnh, nước ép bưởi chùm và rượu anh đào dại.

sao không ai nói cho tôi biết, Pnin sẽ làm tôi tràn đầy hứng khởi bằng những sáng tạo ngôn ngữ mang phong cách của Nabokov? những liên kết từ đặc biệt, mang nặng dấu ấn cá nhân, những lặp âm và ngắt câu tạo nhịp điệu văn chương riêng biệt (một nhịp điệu mà tôi vốn rất ưa…), những câu văn thỉnh thoảng xuất hiện ở một vị trí đắc địa tựa như một đặc ân cho những người biết cách đón nhận…

những mối liên kết từ ngữ đẹp đẽ lạ thường vốn làm tôi thích thú và ghi nhận lại trong trí nhớ tồi tệ của mình một cách khoái trá ngấm ngầm: “bàn tay trinh bạch”, “những ngày thanh xuân nhiệt thành nhanh nhạy”, “tuyết ẩm lững lờ trôi trong đêm đen”, “ánh sáng màu hoa tử đinh hương siêu phàm”, “màu hải lam ngọc ẩm ướt”… nhiều ơi là nhiều í, mà tôi thì mỏi tay rồi! 😉

bọn phê bình hay có kiểu nhận định phong cách viết của Pnin khiến người ta liên tưởng đến một chút Kafka, một chút Proust, một chút Chekov, một chút Gogol và các thứ các thứ… tôi cho rằng Nabokov không bao giờ thích người ta nói về văn chương của ông theo một cách ngu xuẩn như vậy – một nghệ sỹ thực thụ là người chỉ có một phong cách duy nhất, đó là phong cách của chính anh ta, một nhà văn vĩ đại chỉ có một lối viết, là lối mà anh ta dùng!

nói Pnin hoàn toàn tương phản với HH trong Lolita theo tôi cũng thật không đúng, chẳng phải cả hai bọn họ đều dành thứ tình cảm đặc biệt, lạ lùng nhất trong cuộc đời cho những con đàn bà có “linh hồn ô uế, khô khan, tham lam, ấu trĩ” như Lolita và Liza đó sao?!

rất nhiều đoạn hay ho, rất nhiều đoạn đặc biệt cảm hứng: trang 20-21, trang 36-37, trang 72-73, dòng từ 13-19 trang 77, trang 63 – đoạn tả Pnin rụng răng 😀, dòng 4-7 trang 87, khổ cuối trang 90, trang 158-159-160 tả về nhân vật Lake rất hay, trang 163 về cậu bé Victor…

nhiều người quan tâm đến việc cuốn sách viết về điều gì, bức tranh vẽ về cái gì, các tác phẩm tóm lại nói lên điều gì… thật buồn cười, tôi ít khi quan tâm đến những thứ điều nghiên tầm phào đó, cái tôi quan tâm là bọn chúng có đem lại cảm xúc cho tôi không – mà người ta hay gọi một cách hoa mỹ là rung cảm thẩm mỹ – chứ phân tích bóc tách đủ kiểu để tìm hiểu về nó với đủ tầng lớp ý niệm mà trong lòng không mảy may xúc động thì thật là tàn nhẫn, hiểu để làm gì, hãy yêu thôi, nếu yêu được, bởi vì thực ra cuối cùng cũng chẳng có ai dám nói mình hiểu tác phẩm đâu mà! 😉

câu chuyện đời Pnin/một lát đời Pnin ấy thực ra làm tôi buồn chứ – nhưng những vết cắt rất đau buồn của đời y thường được bao bọc xung quanh bằng những thứ rất hài hước và tất nhiên, cả đau xót, như là việc TS. Wind đòi trả “ít nhất một nửa chi phí cho chuyến đi” của Liza sau khi đã bộc bạch cho Pnin toàn bộ mưu đồ kinh tởm của hắn và Liza lợi dụng Pnin để lên chuyến tàu đi sang Tân Thế Giới, như là câu nói của Pnin “tôi chã còn rì sất, tôi chã còn rì!” sau khi gặp lại vợ cũ Liza – sự việc đã diễn ra với một sự trái khoáy và ngang ngược hoàn toàn với nỗi khao khát mãnh liệt của đời y, như là vụ Pnin trượt ngã cầu thang “cứ như trong một kiệt tác của Tolstoy” khi Victor – con riêng của Liza – đến chơi và nói là không mê bóng đá và Pnin vội lên gác để dấu món quà là trái banh ông ta đã chuẩn bị để tặng cậu bé đi, như là hình ảnh Pnin với “cái đầu hói bóng lưỡng” và “cái miệng không răng mở hé và màng lệ che mờ đôi mắt trống rỗng” sau khi thu dọn bữa tiệc tân gia và nghe Hagen thông báo tin y chuẩn bị thất nghiệp… những lời lẽ hài hước mà chua xót, như những tiếng cười trong khi mắt người đang ngấn lệ.

tôi lười quá, chưa đếm lại xem bao nhiêu lần Pnin khóc trong truyện, chắc không dưới 5 lần…

tôi không nghĩ mình lại có thể phấn khích đến thế khi thưởng thức Pnin và cảm nhận sự công phu trong việc chữ nghĩa, cảm nhận được trọng trách của những người tiếp nối sứ mệnh mở ra cho chúng ta những chân trời… việc phiên âm địa danh và danh từ chung trong Pnin với mục đích rõ ràng và cách làm khoa học cũng như tư duy văn minh về phát triển Việt ngữ thực sự làm tôi cảm kích, và muốn viết nên một đôi lời, dù rất mực lộn xộn và không mấy nghiêm trang…

tuy nhiên, tôi vẫn nhớ rõ mình đọc Pnin trong sự “hăng hái, gần như thư thái”.

và,

tôi nhớ mãi :”tôi chã còn gì sất, chã còn gì!”.

28.12.2017.

gỡ rối tơ lòng…

Tiêu chuẩn

khi bọn chúng lớn, có nghĩa là bọn chúng ít cần đến mình nữa hoặc bọn chúng cần đến mình ở những vai trò/những cách thức rất khác với trước đây – khi chúng còn nhỏ…

có nghĩa là mình không còn ở vai trò dạy bảo hay người giám hộ, mình là người-làm-cha-mẹ.

mà làm-cha-mẹ là một công việc/một hành trình không hề dễ dàng với bất cứ ai, vì không có trường lớp nào dạy dỗ ta, không có kinh nghiệm nào để cho ta học hỏi do bản thân mỗi người làm cha mẹ là một cá thể riêng biệt và mỗi đứa trẻ lại có một tính cách khác biệt…

P-thì-hiện-tại gần như hoàn toàn tách bản thân mình riêng ra, P thường từ chối/thờ ơ tiếp cận với những nguồn kiến thức và thông tin mà thỉnh thoảng mẹ chia sẻ, ví dụ như mẹ nói chuyện về dự án video art của Mz rất ấn tượng, cách cô ấy trình chiếu cùng một lúc 3 màn hình với 3 luồng thông tin và hình ảnh vừa tương phản vừa hỗ trợ lẫn nhau như thế… thì P ban đầu rất hứng thú, hỏi cặn kẽ về cách trình chiếu đó, nhưng sau đó là dừng, dù mẹ tiếp tục muốn trò chuyện nhiều hơn về nội dung mà Mz trình bày, cách làm của Mz nhưng P bỗng nhiên trở nên dửng dưng, không muốn quan tâm tiếp nữa… mẹ đoán  P muốn cho mọi người thấy con đã trưởng thành và con có sự hứng thú cũng như quan tâm riêng, và mối quan tâm của con không dễ dàng bị định hướng/bị tác động/bị lôi kéo từ người khác – ở đây là mẹ, nhưng, biết nói sao đây nhỉ – mẹ vẫn muốn P có những mối quan tâm tới những thứ theo mẹ là rất có ích cho P…

giãi bày tâm sự đến đây thì thấy mình thực sự vẫn đang luẩn quẩn giữa hai đàng: một đàng là muốn con độc lập, có tư duy riêng biệt, không phải theo một định hướng của bất cứ ai, P phải là P, không cần giống ai, không cần phải là ai… một đàng thì lại muốn P tiếp thu được những thứ theo mình là quý giá, là nguồn dinh dưỡng tinh thần cho P, là những thứ mình mong muốn P có được, là những giá trị mình theo đuổi trong cuộc đời…

ôi nhọc quá, ai gỡ dùm tôi cuộn gai rối ren này?!

 

 

 

Lễ tân ngoại giao.

Tiêu chuẩn

Mình đọc bên chị cún béo thấy đúng ý quá, mình cũng rất muốn tham gia một lớp học như thế về lễ tân, cách thức ăn uống, kiến thức về chén đĩa, đồ đạc, quần áo, phụ kiện, rượu…

Những nội dung cần được học như thế thì chả thấy dạy phổ biến trong trường học cho sinh viên, học sinh gì cả?!

  • Blog Cún béo:

“Anh chị bạn mời sang ăn tối nhân dịp mới có bộ đĩa Herendi. Bạn nào ở Hungary sẽ biết danh tiếng của đĩa Herendi. Bộ đĩa trắng, hoa văn vẽ tay màu xanh lá cây cực kỳ tinh xảo. Dùng đĩa đẹp ăn quả cũng thấy ngon miệng hẳn lên.

Ở nhà mình dùng bộ đĩa của Richard Ginori. Richard Ginori là hãng đồ bát đĩa cực kỳ nổi tiếng của Ý. Những bộ đẹp, giá có thể lên đến vài trăm euro hoặc nếu đặc biệt nữa thì vài nghìn euro một món. Mà một bộ hoàn chỉnh để phục vụ một buổi ăn tối 12 người chẳng hạn, thì cần đến cả trăm món, từ bát, đĩa sâu, đĩa nông, đĩa to, đĩa nhỏ, cốc, tách, bát tô, thìa, liễn vv và vv. Chắc vì đắt đỏ quá mà khâu tiếp thị lại hơi kém nên sản phẩm đẹp thế, tên hiệu nổi tiếng thế, mà suýt phá sản. Mấy năm trước hồi mình vẫn còn ở Dubai, một lần ăn tối với mấy sếp của Gucci, các anh ý bảo mình Gucci vừa mua lại Richard Ginori, sẽ phục hưng lại nhà máy và tiếp thị sản phẩm tốt hơn. Có lần mình chạy qua một mall ở Dubai, thấy có cửa hàng của Richard Ginori. Dù bụng quả cũng tò mò sản phẩm gửi sang bán ở thị trường Ả rập sến rện như này thì không biết phải thay đổi mẫu mã cho phù hợp ra sao, nhưng vội quá không kịp rẽ vào xem.

Lại nói vụ đĩa bát, các ladies thừa tiền nhưng thiếu sành điệu ở Dubai rất hay dò hỏi các tên hiệu nổi tiếng để tậu về. Từ bát đĩa, quần áo thời trang, đồ trang sức vv và vv. Quần áo thời trang thì dễ rồi, vì quảng cáo đầy ra. Nhưng bát đĩa thì khó hơn. Có lần mình nhớ một chị người Ấn độ, chồng có lẽ là một trong những doanh nhân giàu nhất Dubai, ngồi ăn tối thích bộ đĩa của chủ nhà quá nên lật cả trôn đĩa lên xem hiệu gì để còn đi mua. Một quy tắc tối thiểu trong giao tiếp ứng xử, là có tò mò mấy hay thích đến mấy cũng không lật cổ áo người khác ra xem hiệu gì, nhòm vào lòng giày người khác xem hiệu gì, hay lật trôn bát đĩa cốc chén đồ bạc nhà người ta lên xem hiệu gì.

Có lần, mình vừa vác xác đến một event, chào hỏi loanh quanh một lúc rồi mới đi lại bàn nơi các ladies tụ tập. Chắc đã bị soi từ xa nên vừa đến nơi một cái một chị chỉ cái quần mình đang mặc hỏi ngay “Đây là mốt mới nhất ở Paris đúng không?”. Nghe xong mình không nhịn được cười phá lên. Mốt mát gì đâu, cái quần mình tự đi mua lụa rồi ra thợ may, rẻ rề ra mà các ladies lại cứ tưởng mốt Paris. Một lần khác, cũng một chị người Ấn độ, cũng hỏi mình “Quần áo chị đẹp thế. Chị hay đi mua quần áo ở đâu? Ở Paris hả?”. Chắc chị ý thấy mình hay mặc đồ ren, mà lại chuộng ren Pháp, nên lại tưởng vợ của chàng Favilli, nô bộc của dân, cứ thỉnh thoảng lại đáp chuyến bay sang Paris, London, Milan, sắm sửa như các chị ý. Riêng chuyện ngông với tiền của dân Dubai thì kể cả ngày không hết. Trong đó có giai thoại rất nổi tiếng là có thành viên hoàng gia còn cử hẳn một chuyến máy bay riêng sang châu Âu đi về trong ngày để mua một bộ chén đĩa phục vụ cho tiệc trà vào ngày hôm sau.

Đang từ nơi xa hoa bậc nhất thế giới bọp một cái chuyển sang châu Phi, mình thời gian đầu quả cũng hơi bị loạng choạng. Thế nên là rất hào hứng nhận lời mời ăn tối vì bộ đĩa Herendi. Bộ đĩa công nhận đẹp thật. Ngồi ngắm không khỏi ăn cũng thấy cam lòng.

Mình có hai ước mơ nho nhỏ. Ước mơ nho nhỏ thứ nhất là có một ngày sẽ lập tại Hà nội một trung tâm nho nhỏ dạy mọi quy tắc về ăn uống lễ nghĩa, dạy những kiến thức tối thiểu về chén đĩa, đồ bạc, rượu, cách ăn mặc vv. Sẽ mời từng chuyên gia về dạy từng chuyên đề. Sẽ chú trọng dạy cho trẻ em. Hồi mình học năm cuối đại học, nhà trường có thêm vào một môn rất phụ, gọi là môn Lễ tân ngoại giao. Môn này phụ đến mức cho sinh viên học vài buổi cho biết chứ không thi và không tính điểm. Nhưng mình vẫn nhớ mình đã “Eureka đúng cái mình cần”, đã say mê nuốt từng lời thầy giảng, đã ghi chép lia lịa, đã hỏi thầy bao nhiêu câu thế nào. Một môn học thiết thực như thế lại là môn phụ của phụ, còn những môn vô bổ thì cứ bắt sinh viên hành xác hàng bao nhiêu tiếng đồng hồ trên giảng đường. Lạ thật.

Còn ước mơ nho nhỏ thứ hai thì thôi để lúc nào có dịp thì sẽ tiết lộ.”