Lễ tân ngoại giao.

Tiêu chuẩn

Mình đọc bên chị cún béo thấy đúng ý quá, mình cũng rất muốn tham gia một lớp học như thế về lễ tân, cách thức ăn uống, kiến thức về chén đĩa, đồ đạc, quần áo, phụ kiện, rượu…

Những nội dung cần được học như thế thì chả thấy dạy phổ biến trong trường học cho sinh viên, học sinh gì cả?!

  • Blog Cún béo:

“Anh chị bạn mời sang ăn tối nhân dịp mới có bộ đĩa Herendi. Bạn nào ở Hungary sẽ biết danh tiếng của đĩa Herendi. Bộ đĩa trắng, hoa văn vẽ tay màu xanh lá cây cực kỳ tinh xảo. Dùng đĩa đẹp ăn quả cũng thấy ngon miệng hẳn lên.

Ở nhà mình dùng bộ đĩa của Richard Ginori. Richard Ginori là hãng đồ bát đĩa cực kỳ nổi tiếng của Ý. Những bộ đẹp, giá có thể lên đến vài trăm euro hoặc nếu đặc biệt nữa thì vài nghìn euro một món. Mà một bộ hoàn chỉnh để phục vụ một buổi ăn tối 12 người chẳng hạn, thì cần đến cả trăm món, từ bát, đĩa sâu, đĩa nông, đĩa to, đĩa nhỏ, cốc, tách, bát tô, thìa, liễn vv và vv. Chắc vì đắt đỏ quá mà khâu tiếp thị lại hơi kém nên sản phẩm đẹp thế, tên hiệu nổi tiếng thế, mà suýt phá sản. Mấy năm trước hồi mình vẫn còn ở Dubai, một lần ăn tối với mấy sếp của Gucci, các anh ý bảo mình Gucci vừa mua lại Richard Ginori, sẽ phục hưng lại nhà máy và tiếp thị sản phẩm tốt hơn. Có lần mình chạy qua một mall ở Dubai, thấy có cửa hàng của Richard Ginori. Dù bụng quả cũng tò mò sản phẩm gửi sang bán ở thị trường Ả rập sến rện như này thì không biết phải thay đổi mẫu mã cho phù hợp ra sao, nhưng vội quá không kịp rẽ vào xem.

Lại nói vụ đĩa bát, các ladies thừa tiền nhưng thiếu sành điệu ở Dubai rất hay dò hỏi các tên hiệu nổi tiếng để tậu về. Từ bát đĩa, quần áo thời trang, đồ trang sức vv và vv. Quần áo thời trang thì dễ rồi, vì quảng cáo đầy ra. Nhưng bát đĩa thì khó hơn. Có lần mình nhớ một chị người Ấn độ, chồng có lẽ là một trong những doanh nhân giàu nhất Dubai, ngồi ăn tối thích bộ đĩa của chủ nhà quá nên lật cả trôn đĩa lên xem hiệu gì để còn đi mua. Một quy tắc tối thiểu trong giao tiếp ứng xử, là có tò mò mấy hay thích đến mấy cũng không lật cổ áo người khác ra xem hiệu gì, nhòm vào lòng giày người khác xem hiệu gì, hay lật trôn bát đĩa cốc chén đồ bạc nhà người ta lên xem hiệu gì.

Có lần, mình vừa vác xác đến một event, chào hỏi loanh quanh một lúc rồi mới đi lại bàn nơi các ladies tụ tập. Chắc đã bị soi từ xa nên vừa đến nơi một cái một chị chỉ cái quần mình đang mặc hỏi ngay “Đây là mốt mới nhất ở Paris đúng không?”. Nghe xong mình không nhịn được cười phá lên. Mốt mát gì đâu, cái quần mình tự đi mua lụa rồi ra thợ may, rẻ rề ra mà các ladies lại cứ tưởng mốt Paris. Một lần khác, cũng một chị người Ấn độ, cũng hỏi mình “Quần áo chị đẹp thế. Chị hay đi mua quần áo ở đâu? Ở Paris hả?”. Chắc chị ý thấy mình hay mặc đồ ren, mà lại chuộng ren Pháp, nên lại tưởng vợ của chàng Favilli, nô bộc của dân, cứ thỉnh thoảng lại đáp chuyến bay sang Paris, London, Milan, sắm sửa như các chị ý. Riêng chuyện ngông với tiền của dân Dubai thì kể cả ngày không hết. Trong đó có giai thoại rất nổi tiếng là có thành viên hoàng gia còn cử hẳn một chuyến máy bay riêng sang châu Âu đi về trong ngày để mua một bộ chén đĩa phục vụ cho tiệc trà vào ngày hôm sau.

Đang từ nơi xa hoa bậc nhất thế giới bọp một cái chuyển sang châu Phi, mình thời gian đầu quả cũng hơi bị loạng choạng. Thế nên là rất hào hứng nhận lời mời ăn tối vì bộ đĩa Herendi. Bộ đĩa công nhận đẹp thật. Ngồi ngắm không khỏi ăn cũng thấy cam lòng.

Mình có hai ước mơ nho nhỏ. Ước mơ nho nhỏ thứ nhất là có một ngày sẽ lập tại Hà nội một trung tâm nho nhỏ dạy mọi quy tắc về ăn uống lễ nghĩa, dạy những kiến thức tối thiểu về chén đĩa, đồ bạc, rượu, cách ăn mặc vv. Sẽ mời từng chuyên gia về dạy từng chuyên đề. Sẽ chú trọng dạy cho trẻ em. Hồi mình học năm cuối đại học, nhà trường có thêm vào một môn rất phụ, gọi là môn Lễ tân ngoại giao. Môn này phụ đến mức cho sinh viên học vài buổi cho biết chứ không thi và không tính điểm. Nhưng mình vẫn nhớ mình đã “Eureka đúng cái mình cần”, đã say mê nuốt từng lời thầy giảng, đã ghi chép lia lịa, đã hỏi thầy bao nhiêu câu thế nào. Một môn học thiết thực như thế lại là môn phụ của phụ, còn những môn vô bổ thì cứ bắt sinh viên hành xác hàng bao nhiêu tiếng đồng hồ trên giảng đường. Lạ thật.

Còn ước mơ nho nhỏ thứ hai thì thôi để lúc nào có dịp thì sẽ tiết lộ.”

Bình luận về bài viết này