Xin đừng khao khát sự khác biệt

Tiêu chuẩn

(Trịnh Lữ)

Tôi vẫn nghĩ “khác biệt” không phải, và do đó không nên là “sự khao khát trong sáng tạo của mỗi người nghệ sỹ”. Muốn không giống ai, thì phải luôn để ý xem mọi người đang làm gì và như thế nào, và hễ thấy mình hơi có vẻ bị ảnh hưởng của ai đó là phải ngừng lại, tìm cách khác.

Tìm kiếm sự khác biệt không phải là bản chất của sáng tạo nghệ thuật. Thậm chí “đi tìm” cũng chưa chắc đã phải là con đường sáng tạo nghệ thuật. Picasso có câu nói nổi tiếng “Tôi không tìm, mà tôi thấy”. Tranh Phố của bác Phái không phải là kết quả của việc cố vẽ khác với những tranh phố Paris của Pissarro hay phố Hà Nội của những người khác. Kadinsky hồi còn học vẽ toàn bị điểm kém nhất về hình họa, mà lại có bẩm sinh nhìn thấy màu sắc khi nghe nhạc, nên tranh ông sau này như vậy. Picasso suốt đời “bắt chước” lối thể hiện của các nền văn hóa khác nhau, có nề hà gì đâu.

Sáng tạo nghệ thuật là thôi thúc của người có nhu cầu và khả năng diễn đạt mối tương tác nhận thức và tình cảm của mình với thế giới. Không phải là nhu cầu làm một món hàng khác lạ cho thị trường nghệ thuật. Hơn nữa, chả có gì nhàm chán bằng chuyện cứ nhìn tranh là biết ngay là của tác giả nào. Bản thân Picasso, một điển hình thiên tài hội họa của thế kỷ 20, đã sáng tác qua rất nhiều phong cách và đề tài khác nhau, và thời kỳ nào cũng vẫn cứ là Picasso, chứ không phải thời kỳ sau mới là cái mà ông “tìm thấy” nhờ khao khát muốn “khác biệt”.

Có một luồng ý tưởng tin rằng phong cách hay nhất là vô phong cách, hay chính xác hơn, là thoát khỏi cái phong cách của cá nhân người nghệ sỹ, cái dấu ấn khiến hễ nhìn thấy tác phẩm là biết ngay là của tác giả nào. Mà cái dấu ấn ấy thực ra rất nghèo nàn, chủ yếu chỉ là bảng màu và bút pháp, chân dung ai thì cũng là một kiểu vẽ thế này, tĩnh vật gì cũng là kiểu vẽ thế kia… Rồi phải nhờ những lời uyên áo vòng vo tán thưởng mãi mới “nhận ra là nó đẹp và có giá trị thật”.

Những người thích “vô phong cách” tin rằng chỉ nên có “phong cách của từng tác phẩm”, là sự xứng hợp hiệu quả nhất giữa nội dung và hình thức. Đó cũng là phong cách của quá trình tiến hóa có bản chất là sáng tạo của sự sống ở thế giới này, với tác phẩm là muôn loài sinh sôi – chim bay trên trời, muông thú trên mặt đất, cá dưới nước, và vô vàn cây cỏ, mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi đổi thay, mà vẫn cùng nhau sinh hóa. Hãy sống chân thực và say đắm với bản thân và thế giới xung quanh, và tha thiết với thôi thúc phải diễn đạt mọi cảm thức của chính mình đối với sự sinh tồn muôn hình vạn trạng này, đừng câu nệ vào điều gì khác.

Đó mới là lí do chính đáng của nghệ thuật, là hạt mầm nẩy sinh nghệ sỹ.

Xin đừng khao khát sự khác biệt…

Bình luận về bài viết này